Hiện đại hóa quản lý hàng gia công, sản xuất xuất khẩu

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vũng Áng. Ảnh: H.Nụ

 

(HQ Online) – Thủ tục liên quan đến hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu sẽ được thực hiện trên môi trường điện tử. Các hoạt động liên quan đến theo dõi quá trình gia công, sản xuất xuất khẩu, tình hình nhập, xuất, tồn kho nguyên liệu, vật tư, máy móc giữa doanh nghiệp và cơ quan Hải quan sẽ được kết nối, trao đổi thông tin qua hệ thống công nghệ thông tin (CNTT).

 

Bớt gánh nặng kiểm tra khi kết nối công nghệ thông tin

Tại Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP đang được Tổng cục Hải quan xây dựng, công tác quản lý hải quan đối với hoạt động gia công sản xuất xuất khẩu theo đúng định hướng của ngành là ứng dụng CNTT, thực hiện trên nền tảng hệ thống Hải quan thông minh. Hệ thống của cơ quan Hải quan sẽ đảm bảo có các chức năng có thể tiếp nhận, tự động đánh giá, phân tích để lựa chọn và đưa ra các cảnh báo phục vụ công tác quản lý của cơ quan Hải quan, không yêu cầu người khai hải quan phải nộp các chứng từ này và cơ quan Hải quan cũng không cần thiết phải xuống cơ sở của doanh nghiệp để kiểm tra.

Định hướng này xuất phát từ yêu cầu trong thực tế. Theo Tổng cục Hải quan, hiện nay trong quá trình thực hiện Nghị định số 08/2015/NĐ-CP cơ quan Hải quan đã rà soát, đánh giá, tổng hợp các bất cập trong quy định pháp lý, cũng như nhận được một số kiến nghị của doanh nghiệp về những bất cập trong thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu và chế xuất.

Cụ thể để cải tiến hoạt động quản lý hải quan đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu bám sát với định hướng của Ngành là áp dụng CNTT, thực hiện trên nền tảng hệ thống Hải quan thông minh, theo đó các thủ tục phát sinh được thực hiện hoàn toàn trên hệ thống, doanh nghiệp kết nối và chia sẻ tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư trực tuyến với cơ quan hải quan. Hệ thống của cơ quan Hải quan có chức năng tiếp nhận, tự động đánh giá, phân tích để đưa ra cảnh báo phục vụ cho công tác quản lý của Ngành.

Về việc khai sửa đổi, bổ sung các thông tin về cơ sở sản xuất, tại Điều 37 Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định khi có sự thay đổi về nội dung đã thông báo cơ sở sản xuất với cơ quan Hải quan thì tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo cho cơ quan Hải quan trước khi thực hiện. Trên thực tế các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp lớn (như Samsung, Intel…) các nội dung về máy móc, lao động thường xuyên có sự thay đổi, vì vậy phát sinh bất cập phải thực hiện thường xuyên, liên tục thủ tục thông báo sửa đổi, bổ sung thông báo cơ sở sản xuất.

Về thời gian bắt đầu thực hiện kiểm tra cơ sở sản xuất, tại Điều 39 Nghị định quy định việc kiểm tra thực hiện sau 5 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định kiểm tra. Do vậy, khi thực hiện có những trường hợp doanh nghiệp đã sẵn sàng các điều kiện để cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra nhưng cơ quan Hải quan không thực hiện được ngay do vướng quy định này.

 

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Về hoạt động nhập khẩu hàng hóa bị trả lại, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định thời hạn 275 ngày để phù hợp với thời gian ân hạn thuế của hàng hóa nhập khẩu sản uất xuất khẩu theo Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu số 45/2005/QH11. Đến nay, Luật Thuế 107/2016/QH13 đã thay đổi về chính sách thuế đối với hàng sản xuất xuất khẩu được miễn thuế. Đồng thời, chính sách quản lý đối tượng hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất theo năm tài chính (12 tháng). Thực tế thực hiện có phát sinh vướng mắc, bất cập đối với một số mặt hàng đặc thù như đóng tàu… có thời hạn tái chế kéo dài nhưng hiện tại quy định cho phép 275 ngày. Do vậy, quy định về thời hạn tái chế tại Điều 47 cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo phù hợp.

Trước những yêu cầu đặt ra trong thực tiễn, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Tổng cục Hải quan đề xuất bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 36 về việc giao Bộ Tài chính hướng dẫn việc kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu trực tuyến với hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoặc báo cáo quyết toán nhập – xuất – tồn định kỳ. Đối với doanh nghiệp thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu trực tuyến về việc quản lý, sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc cho cơ quan Hải quan là cơ sở để cơ quan Hải quan xem xét và chỉ kiểm tra, thanh tra khi cho dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Cụ thể, dự thảo Nghị định quy định: “Đối với tổ chức, cá nhân đã kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu việc quản lý, sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu thì cơ quan Hải quan chỉ kiểm tra báo cáo quyết toán nhập – xuất – tồn, kiểm tra tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyển ngành khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật thông qua thu thập, phân tích, đánh giá thông tin”.

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 37 Nghị định được sửa đổi, bổ sung về thời gian khai sửa đổi, bổ sung thông tin cơ sở sản xuất là trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày phát sinh thay đổi, tổ chức cá nhân có trách nhiệm thông báo cho cơ quan Hải quan. Riêng thay đổi về thông tin địa điểm sản xuất, nơi lưu giữ phải báo cáo cơ quan Hải quan trước khi thực hiện.

Khoản 2 Điều 39 Nghị định sửa đổi, bổ sung về thời gian thực hiện kiểm tra cơ sở sản xuất là chậm nhất sau 5 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức, cá nhân nhận được quyết định kiểm tra thì cơ quan Hải quan phải thực hiện hoạt động kiểm tra cơ sở sản xuất và bổ sung thẩm quyền, nội dung kiểm tra cơ sở sản xuất. Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung Điều 47 Nghị định về thời hạn để sửa chữa, tái chế hàng tái nhập là 12 tháng và trường hợp đặc thù thì được quá 12 tháng.

 

Hải Quan Online