Hải quan tiếp tục đấu tranh chống gian lận xuất xứ

Hàng hóa Trung Quốc giả mạo thương hiệu do Đội 1 (Cục Điều tra chống buôn lậu) và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 2 (Cục Hải quan Hải Phòng) phát hiện, bắt giữ tháng 6/2021.

(HQ Online) -Thống kê từ năm 2019 đến hết tháng 10/2021, lực lượng Hải quan đã phát hiện, xử lý 165 vụ vi phạm về xuất xứ hàng hóa. Thông tin này được ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến “Tìm giải pháp chống hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng” do Tạp chí Hải quan tổ chức ngày 15/12.

Chủ động đấu tranh

Theo ông Nguyễn Hùng Anh, trước diễn biến phức tạp liên quan đến gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, ngành Hải quan đã chủ động triển khai hàng loạt giải pháp và biện pháp để phòng, chống.

Cụ thể, từ năm 2019 đến nay đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị hướng dẫn các đơn vị thực hiện đồng bộ những giải pháp chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

“Đặc biệt, năm 2021, Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định 1293/QĐ-TCHQ ngày 17/3/2021 về việc thực hiện kế hoạch chống buôn lậu, hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp”, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu nhấn mạnh.

Song song đó, lãnh đạo Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ như Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Kiểm tra sau thông quan, các cục hải quan địa phương chủ động nghiên cứu các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn xác định xuất xứ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu; nghiên cứu hoạt động xuất, nhập khẩu của một số doanh nghiệp, từ đó xác định những rủi ro, phương thức, thủ đoạn gian lận, giả mạo xuất xứ.

Một biện pháp nghiệp vụ quan trọng khác là thu thập, phân tích thông tin trong và ngoài nước để xác định mặt hàng, doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm hành vi vi phạm; rà soát xác định những giao dịch, công ty xuất nhập khẩu có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến so với năng lực, quy mô sản xuất để tiến hành thu thập, củng cố thông tin, tiến hành xác minh, điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm.

Về đấu tranh trực tiếp, lực lượng Hải quan tăng cường công tác đấu tranh thông qua thực hiện các kế hoạch chuyên đề để xác minh làm rõ theo ngành hàng, đối tượng cụ thể. Như trong năm 2021 xác định 15 nhóm mặt hàng trọng điểm có nguy cơ cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Đồng thời chú trọng xác định mặt hàng trọng điểm là hàng hoá có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng như đồ thời trang (quần áo, giày dép, túi xách…) giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng, các loại hàng hóa thực phẩm, đồ uống kém chất lượng, sai quy định về nhãn mác; các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch Covid-19…

“Qua kết quả đấu tranh đã phát hiện một số phương thức, cách thức, thủ đoạn gian lận xuất xứ như: doanh nghiệp nhập hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam, dán mác hàng hóa xuất xứ Việt Nam sau đó xuất khẩu, hoặc doanh nghiệp có dây chuyền máy móc nhưng sản phẩm xuất khẩu không đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ Việt Nam theo quy định của pháp luật. Có tình trạng hàng hóa được đặt sản xuất ở nước ngoài trước khi nhập khẩu về Việt Nam các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở được ghi sẵn bằng tiếng Việt và dòng chữ “Made in Vietnam” hoặc “sản xuất tại Việt Nam” trên sản phẩm, bao bì sản phẩm để lừa dối người tiêu dùng”, ông Nguyễn Hùng Anh cho biết.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp khai nhập khẩu các loại linh kiện/nguyên vật liệu để sản xuất, gia công xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước nhưng thực chất là sản phẩm gần như hoàn chỉnh, không trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc chỉ trải qua công đoạn gia công, lắp ráp đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định. Táo tợn hơn, có doanh nghiệp không có chức năng cấp C/O nhưng đã tự thiết kế mẫu C/O để cấp cho doanh nghiệp khác xuất khẩu.

Một phương thức khác là các đối tượng lợi dụng việc phân luồng miễn kiểm tra thực tế hàng hóa để gian lận về số lượng, chủng loại; khai sai, không khai báo trên tờ khai nhãn hiệu của hàng hoá nhập khẩu; hàng quá cảnh; hàng nhập lậu qua đường mòn, lối mở; trà trộn hàng hoá vi phạm và hàng hoá không vi phạm để nhập lậu.

5 giải pháp đấu tranh

Để tiếp tục đấu tranh hiệu quả với các hành vi gian lận xuất xứ hàng hoá, ông Nguyễn Hùng Anh đề xuất 5 nhóm giải pháp.

Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế chính sách về lĩnh vực xuất xứ hàng hóa trên cơ sở Nghị định 31/2018/NĐ-CP để tạo hành lang pháp lý giúp các lực lượng chức năng thuận tiện trong quá trình thực thi pháp luật.

Thứ hai, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội ngành hàng… để thực hiện kiểm tra, đối chiếu nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ.

Thứ ba, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm nâng cao năng lực kiểm tra, phát hiện các vụ việc gian lận cho cán bộ, công chức hải quan; nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ tư, tăng cường hiệu quả hợp tác quốc tế, chủ động sẵn sàng kết nối trao đổi thông tin, hợp tác chặt chẽ với cơ quan Hải quan các nước và Văn phòng liên lạc tình báo khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) để kịp thời thu thập thông tin và phối hợp xác minh C/O có dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo vệ người tiêu dùng.

Thứ năm, tiếp tục đào tạo, phối hợp đào tạo tập huấn cho các lực lượng thực thi của hải quan để nâng cao năng lực, hiểu biết về lĩnh vực này, kịp thời phát hiện phương thức, thủ đoạn mới để đấu tranh.

(HQ Online) – Thái Bình